Không chỉ là một nghệ sĩ guitar được yêu thích mà câu chuyện cuộc đời NSƯT Văn Vượng và nghị lực trong cuộc sống, vượt lên số phận của ông đều khiến khán giả cảm phục. Mới bốn tuổi Văn Vượng đã bị mất thị giác sau căn bệnh đậu mùa. Năm 7 tuổi, từ chiếc âu đựng trầu bị mất nắp của mẹ, Văn Vượng đã lần mò chắp nối sợi dây cao su vào, kéo căng ra và gẩy lên những tiếng phật phật, pưng pưng. Cây đàn tự tạo ấy đã trở thành niềm vui duy nhất của Vượng trong thời gian dài.

Cứ mỗi lần nghe tiếng đàn của nghệ sĩ Văn Vượng, trong tôi lại hiện ra hình ảnh người khiếm thị chơi đàn mở đầu ngày mới trong bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" của NSND - đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất những năm 80 của thế kỷ trước với lời dẫn của phim rất cảm động như sau: "Hà Nội nhiều người quen biết Văn Vượng ở phố Hàng Giấy, hình như tiếng đàn của anh thiên về tả cảnh vật quanh mình. Nhưng có điều bất hạnh, anh chưa một lần được thấy cảnh trí Hà Nội. Một tiếng còi tàu vào ga đầu cầu, một tiếng chim gù bên cửa sổ, một tiếng võng đưa bên hàng xóm, một tiếng rao đêm... Vượng có một ước mơ, ước mơ trở thành khát vọng, đơn giản thôi, được trông thấy cảnh vật quanh nơi mình ở, trông thấy Hà Nội dù chỉ một lần trong đời". Năm tháng trôi qua, cảnh vật đã có nhiều đổi khác, nghệ sĩ Văn Vượng giờ đây không còn cô đơn ở phố Hàng Giấy nữa mà đã chuyển về sinh sống tại phố Tô Hiệu, Cầu Giấy cùng vợ và con trai. Tuy vậy, ước mơ đã trở thành khát vọng là được nhìn thấy Hà Nội dù chỉ một lần trong đời vẫn luôn day dứt cuộc đời ông.
Hơn nửa thế kỷ chơi đàn tự do, vào độ tuổi 55, Văn Vượng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Đến nay ông đã có một gia tài âm nhạc kha khá gồm hàng trăm bản nhạc chuyển cho đàn guitar, hơn 8.000 buổi biểu diễn và 7 CD đã thu. Mỗi CD đánh dấu một bước đi của người nghệ sĩ khiếm thị đã luống tuổi này. CD đầu tay "Tiếng đàn nghệ sĩ Văn Vượng" với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được về tài chính cuối cùng đã được ra mắt bạn yêu nhạc dưới sự hỗ trợ của cục NTBD và Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau đó các hãng băng, đĩa đã tự tìm đến liên hệ thu âm với ông. Những CD tiếp theo như "Âm thanh vượt thời gian", "Hà Nội trong mắt ai", "Văn Vượng với những tình khúc Phạm Duy", "Văn Vượng - một thời để nhớ", "Văn Vượng với những tình khúc Trịnh Công Sơn", "Tiếng thời gian" lần lượt ra đời.
Tự mày mò với cây đàn guitar, Văn Vượng đã có được kỹ thuật biểu diễn hết sức sáng tạo, linh hoạt. Không chỉ dùng dây đàn, ông còn tận dụng các phần khác nhau của thân đàn, thùng đàn và cần đàn để tạo nên những âm thanh, tiết tấu phong phú. Thành ra, trong suối nhạc tuôn trào khi êm ái, ngưng đọng, khi ào ào như thác đổ ấy, Văn Vượng đã tạo ra từ đôi tay mình khi thì dăm tiếng chuông ngân, khi cả 6 dây đàn cùng hòa quyện vào nhau, khi chỉ có tiếng thùng đàn được bàn tay phải vỗ nhè nhẹ làm vang lên những âm giai cấu thành từ bàn tay trái, như tiếng của bộ gõ trên thân đàn. Tất cả tạo thành một tổng thể cuốn hút, tưởng như không thể nào có được từ một cây đàn guitar duy nhất.
Không chỉ là một nghệ sĩ guitar được yêu thích mà câu chuyện cuộc đời NSƯT Văn Vượng và nghị lực trong cuộc sống, vượt lên số phận của ông đều khiến khán giả cảm phục. Mới bốn tuổi Văn Vượng đã bị mất thị giác sau căn bệnh đậu mùa. Năm 7 tuổi, từ chiếc âu đựng trầu bị mất nắp của mẹ, Văn Vượng đã lần mò chắp nối sợi dây cao su vào, kéo căng ra và gẩy lên những tiếng phật phật, pưng pưng. Cây đàn tự tạo ấy đã trở thành niềm vui duy nhất của Vượng trong thời gian dài.
Một năm sau, người bạn thân của gia đình Văn Vượng đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc tiềm ẩn ở cậu bé mù nên đã khuyên gia đình mua cho Vượng cây đàn và trực tiếp dạy đàn cho cậu. Lần đầu tiên, cậu bé Vượng đã được chạm tay vào một cây đàn đích thực, dù chỉ là loại đàn cổ Bangioanto mặt bằng da và chỉ có bốn dây, nghèo nàn về tính năng lẫn âm vực.
Sau đó Văn Vượng đã tìm đến cây đàn guitar. Để làm chủ những nốt nhạc trên chiếc đàn guitar đối với người bình thường đã không phải là chuyện đơn giản, đối với người khiếm thị còn khó khăn hơn rất nhiều. Theo lời Văn Vượng kể: "Những ngày đầu học đàn, chưa biết chữ nổi, thầy đánh trước, trò đánh sau, các gam, các phím cứ nhầm mãi. Hai bàn tay tôi chai sạn, chảy máu vì dây đàn. Nhưng cũng vì thế mà tôi hiểu mình cần âm nhạc thế nào. Còn nếu như mắt tôi sáng thì có lẽ tôi đã làm một nghề khác hoặc có chơi đàn thì cũng không thể chơi với tất cả tấm lòng như bây giờ. Tiếng đàn của tôi, đó là những âm thanh được cất lên từ khổ đau".
Khán giả đã biết đến Văn Vượng ở tuổi 40, với những bản ghitar làm say đắm lòng người. Ngẩn ngơ với "Thư gửi Êlydơ" (Bethoven), "Nhạc chiều" (Sube), "Phiên chợ Ba Tư" (Ambecatenbey), say đắm với "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Trường ca sông Lô" (Văn Cao), "Người ơi người ở đừng về" (Dân ca quan họ)... Đặc biệt với tác phẩm "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), Văn Vượng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ái mộ của người thưởng thức âm nhạc thủ đô. Trước đó, tác phẩm "Người Hà Nội" đã từng rất nổi tiếng, nhưng khi được Văn Vượng chuyển soạn cho đàn guitar, với kỹ thuật điêu luyện của ông đã tạo cho bản nhạc một sức sống mới, với những đoạn mô phỏng tiếng chuông nhà thờ trong trẻo, tiếng gồng gánh va nhau kĩu kịt, tiếng bom rơi đạn nổ trong một "trời Hà Nội đỏ máu".
Cũng trong thời gian này, Văn Vượng đã vinh dự được đạo diễn Trần Văn Thủy mời tham gia bộ phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai". Bộ phim nói về cách nhìn, cách nghĩ của con người về thủ đô Hà Nội những năm đầu thời kỳ đổi mới. Nghệ sĩ Văn Vượng xuất hiện bằng tiếng đàn với những thanh âm trong trẻo ngân vang hòa trong buổi sáng ban mai như làm cảnh vật tươi sáng, thanh khiết đã được đưa vào phần mở đầu bộ phim. Có lẽ tài năng của Văn Vượng cùng với niềm tin và sức mạnh vượt qua bao đắng cay, gian khổ đã nhận được sự đồng cảm từ phía đạo diễn. Bộ phim đã đoạt giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim quốc gia năm1988
Là một người khiếm thị, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng lúc nào xung quanh Văn Vượng cũng có những người bạn, những người học trò chỉ vì mê tiếng đàn của ông mà tìm đến. Không ít người đã ngồi hàng giờ tại nhà Văn Vượng nghe ông đàn. Tiếng đàn với phong cách mạnh mẽ, tươi trẻ luôn làm cho người nghe cảm thấy hứng khởi, vui vẻ. Cũng vì mến phục tài năng của ông mà cô sinh viên trường y Minh Nguyệt đã can đảm vượt qua những rào cản xã hội, những khó khăn của cuộc sống để gắn bó với ông trọn đời. Từ nhiều năm nay, nghệ sĩ Văn Vượng thường xuyên nhận được những lời mời biểu diễn của nhiều đơn vị, tổ chức. Những người mê tiếng đàn cũng tìm đến nhờ ông truyền nghề. Học trò của ông đã có người thành danh, được báo chí nói đến nhiều trong thời gian vừa qua như nghệ sĩ trẻ Phương Hà.
Tự nhận mình là một người khiếm thị tự tin, dám sống và có chút ít thành danh, Văn Vượng luôn sẵn sàng đáp lại những tình cảm, sự mến mộ của khán giả dành cho mình bằng những cung đàn điêu luyện và đầy chất ngẫu hứng. Ông kể, có lần biểu diễn ở Bộ Ngoại giao, khán giả có nhiều người nước ngoài, ông chọn bài "Sibone" (nhạc Cuba) do ông chuyển soạn cho đàn guitar. Khi tiếng đàn của ông vừa dứt, có một khán giả đứng dậy phát biểu cảm tưởng: "Nghe Văn Vượng chơi bài này chúng tôi nhắm mắt lại tưởng tượng mình ở Hanabana chứ không nghĩ rằng đang ở Hà Nội".
Văn Vượng luôn nghĩ cách giúp đỡ những người khác. Ông kể: "Mình mê làm từ thiện lắm. Mình hay gửi quần áo, sách vở cho trẻ em, rồi lần nghe câu chuyện cây đàn guitar một dây ở Trường Sa của người lính đảo xa, mình đã nhờ chuyển luôn 200 bộ dây đàn ra cho anh em chiến sĩ ở ngoài ấy". Văn Vượng đã tự mình đến "gõ cửa" nhiều cơ quan đặt vấn đề biểu diễn miễn phí phục vụ cộng đồng. Theo ông, đó cũng là một cách làm từ thiện của một người khiếm thị.
Vừa qua, nghệ sĩ Văn Vượng đã tổ chức thành công một live show riêng lấy chủ đề “Mùa thu Hà Nội”. Trong đêm diễn, không chỉ là tiếng đàn guitar Văn Vượng với các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới và những tình khúc của các tác giả Việt Nam mà còn có NSND Thanh Hoa, ca sĩ Huy Khôi, Bảo Thắng trình bày 4 bài hát do Văn Vượng sáng tác. Ông bảo đêm diễn đầu tiên này được tổ chức với hai mục đích. Thứ nhất là quyên tiền để giúp cho những người kém may mắn hơn mình. Thứ hai là có thêm kinh phí đi nước ngoài chữa mắt. Đó là mơ ước cháy bỏng cả đời của Văn Vượng. Ông nói: "Kể cả ngày mai tôi có ra đi, thì hôm nay vẫn muốn cứu lại đôi mắt để được nhìn thấy Tổ quốc, được nhìn thấy khuôn mặt yêu dấu của vợ và con trai". Hy vọng điều ấy sẽ đến với ông trong một ngày không xa.
Ánh sáng đã bỏ ông ra đi nhưng đôi tay lại mang về cho ông hạnh phúc, để rồi lướt những ngón tay trên những dây đàn, ông đã mang đến một điều kỳ diệu mới cho cuộc sống này. Những bản nhạc qua tay NSƯT Văn Vượng như được mang một linh hồn mới truyền cho người nghe những cảm xúc mới, vui tươi và yêu đời hơn
Thanh Thu